Những vấn đề cần lưu ý khi tiếp nhận Vận đơn đường biển - B/L để xác nhận thực xuất. Như Phần I đã trình bày, vận đơn đường biển có rất nhiều loại, phát hành dưới nhiều hình thức khác nhau, mỗi loại có chức năng, tính chất pháp lý khác nhau….. Vì vậy, việc nắm được những khái niệm cơ bản về bản chất, hình thức của B/L là điều cần thiết để việc tiếp nhận hồ sơ xác nhận thực xuất được chính xác về phía hải quan và thuận lợi cho doanh nghiệp.
1/ Qui định về xác nhận thực xuất:
- Theo qui định tại điểm V, Mục 1 Thông tư 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005, đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất căn cứ vận tải đơn và hóa đơn thương mại do chủ hàng xuất trình để xác nhận thực xuất trên tờ khai hải quan.Ngoài ra, về “chứng từ tương đương vận tải đơn” để làm căn cứ xác nhận thực xuất, công văn số 1578/TCHQ-GSQL ngày 14/4/2006 hướng dẫn về xác nhận thực xuất có nêu các chứng từ sau: Biên lai nhận hàng của đại lý giao nhận hoặc hãng tàu (Forwarder Cargo Receipt hoặc Forwarder’s certificate of receipt) hoặc cargo receipt hoặc House Airway Bill hoặc Surrendered Bill).
- Hướng dẫn về việc đối chiếu B/L để xác nhận thực xuất hiện nay căn cứ vào hướng dẫn của công văn 1578/TCHQ-GSQL nêu trên:
+ “ Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường biển, …là ngày xếp hàng lên tàu ghi trên B/L và chứng từ tương đương B/L”; “ …có thể sử dụng bản sao có đóng dấu xác nhận của giám đốc doanh nghiệp để làm căn cứ xác nhận thực xuất. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ bản sao”; “Về nguyên tắc, chứng từ không phù hợp thì không xác nhận thực xuất. …căn cứ giải trình của người xuất khẩu và các chứng từ chứng minh, thực tế hàng xuất khẩu, nếu xác định việc không phù hợp đó là có lý do chính đáng, khách quan thì xác nhận thực xuất theo giải trình của người xuất khẩu”; “Việc xuất khẩu hàng của doanh nghiệp Việt Nam cho đối tác thứ 3 theo chỉ định của người đặt gia công/ người mua ở nước ngoài… căn cứ giải trình của doanh nghiệp và các chứng từ chứng minh thực tế hàng xuất khẩu đã được giao tại cảng Việt Nam để xem xét, nếu hợp lý thì xác nhận thực xuất theo giải trình của người xuất khẩu”.
+ Các Qui định và hướng dẫn trên cho thấy: công chức hải quan phải xem xét “sự phù hợp của B/L” và “các chứng từ chứng minh, giải trình của người xuất khẩu” để xác nhận thực xuất. Vậy, cần phải “xem xét” những nội dung gì của B/L để biết có sự “phù hợp” giữa các chứng từ của bộ hồ sơ xuất khẩu.
2/ Xác nhận thực xuất:
- Cần phải hiểu rõ khái niệm “thực xuất”: theo nội dung hướng dẫn “căn cứ vào B/L và Commercial Invoice để xác nhận thực xuất” và chức năng của B/L “làbằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận lên tầu số hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như ghi rõ trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng” ta thấy,việc “xác nhận thực xuất” là: xác nhận “tình trạng” một lô hàng xuất khẩu (được coi là đã thực xuất khẩu khi) đã được giao cho người giao nhận/ đại lý hãng tàu để xếp lên phương tiện vận tải hoặc đã được xếp lên phương tiện vận tải.
- Tuy nhiên, B/L là chứng từ vận tải được thể hiện bằng tiếng Anh, được phát hành dưới nhiều hình thức khác nhau, do vậy công chức làm nhiệm vụ xác nhận thực xuất thì khi tiếp nhận B/L cần phải xác định được ngay nội dung cần phải kiểm tra để nhận biết chứng từ do doanh nghiệp xuất trình có đúng và đủ tiêu chuẩn để được tiếp nhận làm cơ sở xác nhận thực xuất. Đó là xác định những dấu hiệu để khẳng định B/L thỏa mãn tiêu chí là “bằng chứng người vận chuyển đã nhận hàng để vận chuyển…” trước khi tiếp tục xem xét các chi tiết khác.
- Công chức thực xuất sẽ phải kiểm tra trên B/L các dấu hiệu cho thấy hàng hóa đã được người vận chuyển nhận/hoặc xếp lên tàu. Theo tập quán thương mại thì khi hàng đã được xếp lên phương tiện vận tải hoặc giao cho người vận chuyển để xếp lên phương tiện vận tải thì người vận tải sẽ phát hành B/L cho lô hàng đó. Về hình thức, các dấu hiệu thể hiện trên B/L để xác định hàng hóa đã được giao/ nhận như thế nào cho người vận chuyển gồm các cụm từ “shipped on board”, “Loaded on M/V” “Laden on board”, “clean on board” (đương nhiên được hiểu là hàng đã xếp lên tàu)… hoặc các cụm từ có nghĩa tương tự… “Surrendered” (có nghĩa lô hàng đã được nhận để vận chuyển). Hoặc, các B/L có cụm từ “Received for shipment ”. Đây là B/L được phát hành khi người vận tải/ đại lý giao nhận mới nhận chứ chưa xếp lên tàu. (Hải quan đã chấp thuận chứng từ tương đương B/L là Forwarder’s certificate of receipt, mặc dù đây không phải là chứng từ vận tải).
- Có ý kiến cho rằng các bản sao “copy” vận đơn có chữ “Non Negotiable” hoặc “Speciment” không đủ tính chất pháp lý để xác nhận thực xuất. Thực ra, những bản B/L (với các chữ trên) chỉ không đủ tính chất pháp lý là chứng từ thanh toán đối với ngân hàng, nhưng vẫn được coi là “bằng chứng người vận chuyển đã nhận hàng để vận chuyển…”. Điều quan trọng là chúng được người vận tải hoặc đại diện hợp pháp của họ phát hành cho người gửi hàng để xác định việc hàng xuất khẩu đã được nhận và sẽ được gửi cho người nhận.
Lưu ý: các vận đơn thứ cấp HBL đường biển không thuộc đối tượng được xem xét để xác nhận thực xuất. Về tính pháp lý của vận đơn thứ cấp (House B/L) đường biển, ngày 13/7/2007 TCHQ có công văn số 3986/TCHQ-GSQL hướng dẫn như sau: “Về ký phát hành vận đơn đường biển, tại Điều 86 Bộ Luật hàng hải Việt Nam ngày 14/6/2005 qui định “Theo yêu cầu của người giao hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn. Như vậy người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát vận đơn cho người giao hàng. Ngoài ra những đối tượng khác (Đại lý tàu biển, Đại lý vận chuyển hàng hóa bằng đường biển…) được ký phát vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác theo sự ủy thác của người vận chuyển (Điều 158 Bộ Luật Hàng hải). Tuy nhiên cho đến thời điểm này (2007) chưa có văn bản nào dưới Bộ Luật Hàng hải hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc phát hành HBL và cũng chưa có qui định về “cơ quan Việt Nam nào cho phép pháp nhân có ngành nghề kinh doanh như thế nào thì được ký phát HBL”.
3/ Những vấn đề cần chú ý: Theo qui định, bộ hồ sơ khi xác nhận thực xuất gồm: tờ khai xuất khẩu, B/L và Commercial Invoice.
a) Những nội dung cần đối chiếu để xác nhận thực xuất: Căn cứ thông tin khai báo trên tờ khai hải quan xuất khẩu: phải xác nhận “Ngày xếp hàng lên tàu”để ghi vào tờ khai hải quan. Để đảm bảo lô hàng xuất khẩu đúng khai báo, phải kiểm tra đối chiếu các thông tin trên B/L và Invoice xem có khớp, cụ thể:
- Đối chiếu với B/L: xác định ngày xếp hàng lên tàu để ghi vào tờ khai hải quan. Ngoài ra để kiểm tra tính hợp lệ, đồng bộ cần phải đối chiếu: tên và địa chỉ của người xuất khẩu, nhập khẩu; cửa khẩu xuất hàng; cảng dỡ/giao hàng; tên hàng, số, trọng lượng, số kiện… Chú ý: ngày phát hành B/L phải sau ngày kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc đối chiếu các chi tiết trên cũng là cơ sở để xác định lô hàng thuộc hợp đồng gia công trong trường hợp bên nhận gia công Việt Nam không phải là “shipper “trên B/L.
- Đối chiếu với invoice: số hợp đồng, phương thức thanh toán, trị giá lô hàng, ...
b) Về tính hợp lệ của “Bản sao y vận đơn”: Cần phải làm rõ thế nào là “bản sao hợp lệ, hợp pháp” mặc dù “doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ bản sao”.Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư qui định:
- Khoản 4 Điều 2 qui định: "Bản sao y bản chính" là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản và được trình bày theo thể thức quy định. Bản sao y bản chính phải được thực hiện từ bản chính; Khoản 2 Điều 11: Thể thức bản sao được quy định như sau: “Hình thức sao: sao y bản chính hoặc trích sao, hoặc sao lục; tên cơ quan, tổ chức sao văn bản; số, ký hiệu bản sao; địa danh và ngày, tháng, năm sao; chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; dấu của cơ quan, tổ chức sao văn bản; nơi nhận”.
- Thực tế, nhiều các “bản sao y B/L” do doanh nghiệp xuất trình không đảm bảo tính pháp lý theo qui định trên. Nhiều bản chỉ có dấu “Sao y bản chính”, chữ ký của giám đốc và dấu của doanh nghiệp, không có ngày, tháng ký. Thậm chí nhiều chữ ký không có tên và chức vụ người ký. Hoặc ngược lại, chỉ có dấu doanh nghiệp, chữ ký mà không có chữ “Sao y bản chính” cùng ngày tháng sao y.
- Đề nghị chỉ chấp nhận những bản sao B/L hợp lệ về thủ tục hành chính.
c) Về các B/L do forwarder ký phát hành: Theo qui định thì doanh nghiệp xuất khẩu chịu trách nhiệm về tính pháp lý của chứng từ (B/L, commercial Invoice ) khi nộp/xuất trình cho hải quan. Tuy nhiên, việc ký phát hành B/L cũng phải đúng về thủ tục hành chính và phù hợp tập quán quốc tế:khi ký phải thể hiện rõ tư cách pháp lý của mình:“As carrier” hay “As agent for the carrier “Riêng đối với đại lý, khi ký, ngoài việc thể hiện là đại lý, còn phải ghi rõ đại lý cho ai, nghĩa là phải ghi rõ tên của hãng vận chuyển mà mình làm đại lý.Thực tế, doanh nghiệp thường xuất trình các B/L có chữ ký của người phát hành không đúng thể thức, nội dung theo yêu cầu nêu trên.
- Đề nghị không chấp nhận những B/L mà người ký phát không thể hiện đúng, đủ các chi tiết về họ tên, chức danh và tư cách của người ký (nhân danh ai).
d) Dấu “Correction” trên B/L: Về nguyên tắc, chỉ những người đã ký phát hành văn bản mới có thẩm quyền thay đổi những nội dung của văn bản đó bằng một văn bản đính chính khác. Có thể hiểu dấu “correction” là một chỉ dấu, ngụ ý cho thấy sự chứng thực về việc sửa chữa của người phát hành B/L. Đây chỉ là tập quán, không phải qui định pháp lý. Hiện nay, không có văn bản pháp lý nào qui định về việc sửa chữa bằng tay các chi tiết và đóng dấu “correction” bên cạnh chỗ sửa chữa trên văn bản nói chung và vận đơn đường biển (B/L) nói riêng.
- Tuy nhiên, theo ISBP (bản sửa đổi 2007 cho UCP 600): Trừ những chứng từ do người hưởng lập, việc sửa chữa trên các chứng từ khác phải thể hiện là được người phát hành, hoặc người được người phát hành ủy quyền, xác thực. Việc xác thực phải được người xác thực thực hiện bằng cách ký hoặc ký tắt, ghi rõ họ tên, trường hợp người xác thực không phải là người phát hành chứng từ thì phải ghi rõ chức năng của người xác thực.
- Thực tế, nhiều B/L được đóng dấu “correction” nhỏ, tròn, đường kính khoảng 10mm và có một chữ ký “nháy” của “ai đó”, không rõ họ, tên.
Đề nghị: Không chấp nhận những B/L: có dấu sửa chữa nhưng không thể hiện rõ người ký xác thực hoặc người xác thực không phải người ký phát hành B/L. Doanh nghiệp phải yêu cầu người ký phát B/L cung cấp B/L sạch hoặc phải thể hiện rõ tên, chức năng của người xác thực bên cạnh chỗ sửa chữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét