Theo thông lệ Hàng hải Quốc tế (công ước Brussels 1924, điều 1 khoản b) và Bộ luật Hàng hải Việt nam (điều 81 khoản 3) thì vận đơn là cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người nhận hàng và người chuyên chở. Khi xảy ra thiếu hụt, hư hỏng, tổn thất.... đối với hàng hoá ở cảng đến thì người nhận hàng phải đứng ra giải quyết với người chuyên chở căn cứ vào vận đơn. Trên lý thuyết thì như vậy nhưng trong thực tế có rất nhiều tranh chấp phát sinh xung quanh vấn đề này. Cụ thể là:
Trong thương mại hàng hải quốc tế thường lưu hành phổ biến 2 loại vận đơn đường biển: vận đơn loại thông thường (gọi là Conline bill) và vận đơn cấp theo hợp đồng thuê tầu (gọi là Congen Bill).
Điểm khác nhau cơ bản của 2 loại vận đơn này là:
Conline bill chứa đầy đủ mọi quy định để điều chỉnh quan hệ giữa người nhận hàng và người chuyên chở như phạm vi trách nhiệm, miễn trách, thời hiệu tố tụng, nơi giải quyết tranh chấp và luật áp dụng, mức giới hạn bồi thường, các quy định về chuyển tải, giải quyết tổn thất chung, những trường hợp bất khả kháng.... Thông thường loại vận đơn này có đầy đủ 3 chức năng như điều 81 Bộ luật Hàng hải Việt nam quy định.
Congen bill được cấp phát theo một hợp đồng thuê tầu chuyến nào đó. Loại này thường chỉ có chức năng là một biên nhận của người chuyên chở xác nhận đã nhận lên tầu số hàng hoá được thuê chở như đã ghi trên đó. Nội dung của loại vận đơn này rất ngắn gọn và bao giờ cũng phải ghi rõ: Phải sử dụng cùng với hợp đồng thuê tầu (to be used with charter parties). Ngoài ra trong vận đơn loại này bao giờ cũng có câu: Mọi điều khoản, mọi quy định miễn trách nhiệm cho người chuyên chở đã ghi trong hợp đồng thuê tầu kể cả các điều khoản luật áp dụng và trọng tài phải được áp dụng cho vận đơn (All terms and conditions, leberties and exceptions of the charter party, dated as overleaf, including the law and abitration clause, are herewwith incorporated).
Trong trường hợp xảy ra mất mát, hư hỏng, thiếu hụt hoặc chậm giao hàng... ở cảng dỡ hàng thì chỉ phải sử dụng vận đơn để giải quyết tranh chấp (nếu là Conline bill), nhưng sẽ phải sử dụng cả vận đơn và hợp đồng thuê tầu (nếu là Congen bill). Ở đây có thể xay ra khả năng có mâu thuẫn giữa quy định của vận đơn và quy định trong hợp đồng thuê tầu. Lúc này ưu tiên áp dụng những quy định của vận đơn để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp cả vận đơn và hợp đồng đều không có quy định gì (khả năng thứ 2) thì áp dụng luật do vận đơn chỉ ra trước, luật do hợp đồng chỉ ra sau nhưng phải xét đến các mối quan hệ liên quan.
Vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp Việt nam hay mua hàng theo điều kiện CIF hoặc C&F thì hợp đồng thuê tầu do người xuất khẩu ký với chủ tầu, người nhập khẩu (người nhận hàng) Việt Nam khó lòng biết được. Ðể hạ giá bán, thường là bằng cách hạ giá cước (phần F trong giá C&F và CIF) người xuất khẩu hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận những quy định khắt khe của chủ tầu, không có các quy định về luật áp dụng và trọng tài. Có khi họ thuê cả những tầu già, cũ, rách nát hay hỏng hóc. Nếu có hư hỏng mất mát thiệt hại về hàng hoá thì việc khiếu nại chủ tầu rất khó khăn vì người nhập khẩu hàng không có hợp đồng thuê tầu trong tay hoặc có những hợp đồng toàn những quy định bất lợi cho người nhập khẩu hàng. Ðôi khi lấy được hợp đồng thuê tầu từ người xuất khẩu thì thời hiệu tố tụng không còn nữa hoặc hợp đồng quy định tranh chấp (nếu có) sẽ xét xử theo luật Anh và ở trọng tài hàng hải London.... Những quy dịnh này hết sức bất lợi cho người nhập khẩu Việt nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét