KỸ NĂNG SOẠN THẢO, ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG

A - Các điều khoản thường thấy trong hợp đồng
Điều khoản 1: Định nghĩa:
Đưa ra các cụm từ được hiểu một cách thống nhất có liên quan trong hợp đồng.
Điều khoản 2: Phạm vi hợp đồng (hàng hoá)

Tên hàng hoá, quy cách, chất lượng, số lượng, nhà sản xuất, xuất xứ nguồn gốc mức độ đồng bộ....
Số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận.
Đóng gói
Điều khoản 3: Giá trị hợp đồng
Tổng giá trị hợp đồng: (Theo Incoterms 2000)
Điều khoản 4: Điều kiện giao hàng

Quy định cảng đi, cảng đến
Thời gian giao hàng
Quy định rõ giao từng phần, toàn phần
Cho phép chuyển tải hay không cho phép chuyển tải
Thông báo trước khi giao hàng
Thông báo giao hàng
Điều khoản 5: Phương thức thanh toán

Thông thường áp dụng phương thức thanh toán Tín dụng chứng từ (L/C); cũng có thể thanh toán bằng chuyển tiền (TTR) (trong trường hợp hai bên có mối quan hệ làm ăn thân thiết hoặc có ràng buộc về vấn đề khác, trong trường hợp nhận hàng trước trả tiền sau...)
Quy định về bộ chứng từ xuất trình trong thanh toán
Điều khoản 6: Chứng từ giao hàng, đóng gói và mã hiệu
Điều khoản 7: Trách nhiệm do vi phạm hợp
Điều khoản 8: Thời hạn hiệu lực của hợp đồng
Điều khoản 9: Kiểm tra hàng hoá
Điều khoản 10: Bảo hành
Điều khoản 11: Biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng kinh tế (Bảo lãnh thực hiện hợp đồng)
Điều khoản 12: Chấm dứt hợp đồng
Điều khoản 13 : Điều khiện bất khả kháng
Điều khoản 14: Sửa đổi hợp đồng
Điều khoản 15: Trọng tài
Nên áp dụng: Giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc Tế bên cạnh phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam
Điều khoản 16: Luật điều chỉnh hợp đồng
Nên áp dụng Luật của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Điều khoản 17: Bảo mật
Áp dụng trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng mua bán thiết bị đồng bộ, hoặc trong trường hợp sử dụng tín dụng thương mại người mua cung cấp toàn bộ thông tin của doanh nghiệp mình cho người bán, hoặc các trường hợp khác do hai bên thấy cần thiết.
Điều khoản 18: Ngôn ngữ và hệ thống đo.
Được thống nhất và thoả thuận hai bên.

B - Rủi ro trong quan hệ thương mại thường xảy ra:
+ Không nhận được hàng theo hợp đồng (người bán không giao hàng theo hợp đồng)
+ Đối tác không có năng lực thực hiện hợp đồng
+ Đối tác không có đủ tư cách pháp nhân
+ Người đại diện của đối tác không đủ thẩm quyền
+ Không thực hiện đầy đủ hoặc sai so với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng
+ Đối tác không có khả năng thanh toán tiền hàng
+ Do quy định về hàng hoá trong hợp đồng không rõ ràng dễ dẫn đến hàng giao sai chủng loại, quy cách, hàng thiếu về số lượng....
+ Trong hợp đồng không quy định rõ về đơn vị đo lường.
+ Thiếu thiện chí của bên Mua hoặc bên Bán: Nội dung của thư tín dụng không đáp ứng được yêu cầu (thoả thuận về giao nhận hàng hoá...)
+ Sự bất hợp lý của bộ chứng từ yêu cầu thanh toán...

C - Khuyến cáo
I./ Một số vấn đề cụ thể :
Để tránh, giảm thiểu rủi ro một cách tích cực nhất, các chủ thể hợp đồng cần phải quan tâm:
1.1 Đối với người mua
+ Nghiên cứu về năng lực tài chính, uy tín trên thị trường  của đối tác;
+ Người đại diện ký hợp đồng phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân
+ Đảm bảo nội dung của bản hợp đồng đầy đủ các điều khoản;
+ Trong đó cần lưu ý một số điểm cơ bản:
(i) Hàng hoá cần được chi tiết, cụ thể về số lượng chủng loại, quy cách, chất lượng, tính đồng bộ của sản phẩm, yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá... (được xác định bằng các giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền xác nhận - những nội dung này nên cụ thể trong hợp đồng).
(ii) Giá cả hàng hoá, giá trị hợp đồng: Cần được xác định cụ thể và đầy đủ theo cơ cấu giá bởi sự thoả thuận điều kiện thương mại.
(iii) Phương thức thanh toán: Trường hợp thanh toán thẳng bằng chuyển tiền (TT) chỉ nên áp dụng trong các trường hợp đối tác có quan hệ thường xuyên, hai bên có hiểu biết về nhau hoặc áp dụng trong trường hợp nhận hàng trước khi thanh toán.
Trường hợp thanh toán theo phương thức Tín dụng chứng từ (L/C) thì người mua cần lưu ý:
- Yêu cầu người bán mở thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ (thông thường tối đa là 10% giá trị hợp đồng);
- Quy định bộ chứng từ: Ngoài việc  quan tâm đến và quy định cụ thể trong hoá đơn thương mại, vận đơn, chứng từ bảo hiểm yêu cầu ghi rõ người hưởng, các chứng từ khác liên quan đến chất lượng, xuất xứ hàng hoá cần xác định rõ trong tín dụng thư về nơi phát hành và nội dung diễn đạt hoặc dữ liệu của chúng - Điều 21 – UCP 500 quy định Ngân hàng sẽ chấp nhận các chứng từ này như xuất trình miễn là nội dung dữ liệu của chúng không mâu thuẫn với các chứng từ khác. Ngoài ra việc quy định về chứng từ vận tải cũng cần được xem xét cân nhắc lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của hợp đồng nhập khẩu, loại hàng hoá nhập khẩu...
(iv) Trường hợp ký hợp đồng theo giá CIF, CFR: Trong hợp đồng cần phải có điều khoản quy định thuê tầu trong đó quan tâm đặc biệt là : Tuổi tầu; các giấy tờ đăng ký tầu, chủ tầu (năng lực của chủ tầu). Tuy nhiên trong trường hợp này nên quy định rõ trong hợp đồng thương mại, tín dụng thư về điều khoản của Vận đơn (vận đơn đường biển) phải có điều khoản “Identity Clause” (Bất cứ ai là người chuyên chở, nhưng chủ tầu vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng hoá). Đồng thời cũng yêu cầu người bán cung cấp cho người mua một bản sao hợp đồng thuê tầu.
(v) Trường hợp ký hợp đồng theo giá CIF, CIP ngoài việc quy định về thuê tầu cần phải quy định rõ trong hợp đồng, tín dụng thư về Bảo hiểm: Mức bảo hiểm (mức bảo hiểm tối thiểu không phù hợp với việc bán hàng công nghiệp chế tạo do mất cắp, mất trộm chi tiết hoặc bốc dỡ không đúng yêu cầu..., do đó người mua có quyền yêu cầu người bán mua mức bảo hiểm lớn hơn mức tối thiểu, người hưởng lợi từ Bảo hiểm (người mua), nơi thanh toán bảo hiểm (khi có rủi ro xảy ra) - thường quy định thanh toán tại nước của người mua.
(vi) Trường hợp ký hợp đồng theo giá CFR, FOB (giá FOB do người mua thuê tầu do vậy không phải quy định về thuê tầu trong hợp đồng thương mại) ngoài việc quy định về thuê tầu, người mua cần phải ký hợp đồng bảo hiểm hàng hoá – vì chính lợi ích của bản thân.
1.2 Đối với người bán
+ Nghiên cứu về năng lực tài chính, uy tín trên thị trường  của đối tác;
+ Người đại diện ký hợp đồng phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân
+ Đảm bảo nội dung của bản hợp đồng đầy đủ các điều khoản;
+ Trong đó cần lưu ý một số điểm cơ bản:
(i) Trường hợp bán bằng giá CIF, CIP, CFR: Yêu cầu người mua mở L/C với điều kiện “Không có miễn trách đối với người chuyên chở”.
(ii) Trong trường hợp bán theo giá: DAF, CIP, CPT, DDU, DDP: Hàng hoá có thể bị mất mát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển: Ngoài việc quan tâm đến việc thuê tầu,  người bán nên mua bảo hiểm hàng hoá nhằm chia sẻ rủi ro.
(iii) Khi gửi hàng rời cho nhiều người mua cùng một lúc phải xác định được cụ thể số lượng đối với từng người mua. Nếu không xác định được thì việc chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua đối với các trường hợp bán theo giá CIF, CFR, FOB... là không thực hiện được như đối với trường hợp giành riêng.
(iv) Việc lập bộ chứng từ thanh toán cần lưu ý về tính logic của thời gian: ngày của chứng từ  và ngày của Tín dụng thư – Các chứng từ phải được xuất trình trong thời gian quy định của Tín dụng thư hoặc không quá 21 ngày kể từ ngày giao hàng (thông thường ngày giao hàng được quy ước là ngày ký phát vận đơn) nếu tín dụng thư không ghi rõ thời gian xuất trình. Trường hợp này nếu tín dụng thư được phát hành quá muộn (ví dụ trên 21 ngày kể từ ngày giao hàng) mà không nói khác thì chứng từ trên sẽ bị Ngân hàng từ chối. Do vậy Giao hàng trước khi mở L/C, người bán có thể gặp rủi ro nếu người mua không chân thực hoặc vì lý do nào đó không mở Tín dụng thư hoặc mở quá muộn.
(v) Trường hợp Tín dụng thư quy định rõ, cụ thể những điều cần thiết, tuần tự về yếu tố thời gian của các chứng từ thì người lập bộ chứng từ quan tâm đến thời gian lập các chứng từ theo quy định trong Tín dụng thư.
II./ Các khuyến nghị chung:

Khi đàm phán hợp đồng và quyết định lựa chọn phương thức giao hàng, các bên cần phải hiểu đầy đủ về các tập quán của cảng đi, cảng đến, ngành hàng, hoặc tập quán mà các bên đã thiết lập trước đó và nếu như không chắc chắn các bên cần phải đưa vào hợp đồng mua bán các điều khoản thích hợp để làm rõ quan điểm của mình về mặt pháp lý. Các điều khoản như vậy trong từng hợp đồng cụ thể sẽ có giá trị hơn.
Điều khoản luật áp dụng trong hợp đồng cũng cần được quan tâm, khi tham chiếu đến luật được áp dụng trong hợp đồng (có thể áp dụng  luật một trong hai quốc gia của hai bên tham gia hợp đồng hoặc có thể áp dụng  luật của nước thứ ba được cả hai bên chấp thuận). Người mua (bán) cần phải nắm rõ được luật điều chỉnh mà hợp đồng tham chiếu đến (thông thường áp dụng luật pháp của nước sở tại).
Điều khoản Trọng tài: Đối với Việt Nam nên lựa chọn nơi giải quyết tranh chấp là “Trung tâm Trọng tài Quốc tế bên cạnh Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt nam”. Ngôn ngữ trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng cần phải được thống nhất trong hợp đồng một cách cụ thể.
Các vấn đề khác có liên quan đến việc phòng ngừa rủi ro trong quan hệ thương mại chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard