VẬN ĐƠN THEO HỢP ĐỒNG THUÊ TÀU CHUYẾN (CHARTER PARTY BILL OF LADING)


Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu (Charter Party B/L hay Congenbill): là vận đơn được phát hành trong trường hợp hàng hoá được chuyên chở theo một hợp đồng thuê tàu chuyến và trên đó có ghi câu " Phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu" hoặc câu "Sử dụng với hợp đồng thuê tàu" (to used with Charter Party). 


Vận đơn viết rằng mọi điều khoản, mọi miễn trách cho người vận chuyển ghi trong hợp đồng vận chuyển tàu chuyến, bao gồm cả điều khoản về luật áp dụng và trọng tài, phải được áp dụng cho vận đơn này và mọi điều khoản của HĐVCTC là một phần không tách rời của vận đơn. Nguyên văn bằng tiếng Anh như sau: Bill of Lading. To be used with charter-parties. Code name: “Congenbill”, edition 1994. Adopted by the Baltic and International Maritime Council (BIMCO). All terms and conditions, liberties and exceptions of the Charter Party, dated as overleaf, including the Law and Arbitration Clause, are herewith incorporated.

Thông thường, loại vận đơn này chỉ có chức năng là giấy biên nhận (receipt) của người vận chuyển, xác nhận đã nhận lên tàu để vận chuyển đến cảng trả hàng một số lượng hàng với chi tiết như đã nêu trên vận đơn và là bằng chứng của hợp đồng (evidence of contract) đã giao kết (hoặc mặc nhiên được coi là giao kết) với bên có liên quan. So với vận đơn thông thường, nội dung của vận đơn này ngắn gọn, như đã nói ở trên, luôn dùng cùng với HĐVCTC và toàn bộ HĐVCTC là một phần của vận đơn nên người mua hàng theo điều kiện CFR phải mặc nhiên chấp nhận toàn bộ điều khoản của HĐVCTC.

Loại vận đơn này được sử dụng khá phổ biến. Khi mua hàng theo điều kiện CFR… thì người bán hàng ký HĐVCTC với người vận chuyển; người mua hàng ít khi được biết đến hợp đồng này. Người bán hàng có thể chấp nhận những điều kiện không thuận lợi mà người vận chuyển đưa ra, như điều khoản về miễn trách cho người vận chuyển, nơi và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp… Trường hợp người mua hàng muốn khiếu nại người vận chuyển về hư hỏng, mất mát hàng hóa thì gặp rất nhiều khó khăn vì những điều khoản bất lợi cho người bán hàng (người thuê vận chuyển) trong HĐVCTC nay được chuyển sang cho người mua. Nhiều khi người mua hàng không có (hoặc có không đầy đủ) HĐVCTC hoặc khi có được hợp đồng này thì thời hiệu khởi kiện đã hoặc… gần hết. Người mua cần lưu ý là rủi ro và sở hữu về hàng hóa đã chuyển từ người bán sang người mua khi hàng qua lan can tàu tại cảng bốc hàng theo điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms).

Về nơi và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp, giả sử người mua hàng khiếu nại nhưng theo HĐVCTC nơi giải quyết và luật áp dụng lại ở một nước xa xôi, đi lại tốn kém, chi phí luật sư cao (ví dụ: nước Anh)… thì ngay cả khi thắng kiện, người mua cũng… “không thắng” về mặt “kinh tế” vì đã chi có phần hơi nhiều (tòa chỉ chấp nhận một mức “hợp lý” mọi chi phí phát sinh, kể cả phí luật sư). Đấy là chưa kể có khi phải chờ… “dài cổ” mới đến lượt… “hầu tòa”.

Với người mua hàng, ngoài việc cần phải cố gắng đạt được như vận đơn  “sạch” và “hàng đã bốc” (clean and shipped on board), cần lưu ý đến vận đơn thuộc loại nào. Thực tế cho thấy, một số “nhà nhập khẩu” (người mua hàng) không “để ý” lắm đến vận đơn loại nào, khi “có việc” mới mở ra xem thì… nó lại phải theo HĐVCTC (như đã nêu trên). Vì vậy cần phải yêu cầu người bán thu xếp vận đơn thuộc loại không phải là “vận đơn ký phát theo HĐVCTC”. Người vận chuyển thường có mẫu vận đơn riêng (thường gọi là “owner’s bill of lading”, “bill of lading”, “liner bill of lading”, hoặc “CONLINEBILL” (“liner bill of lading” được Tổ chức Hàng hải quốc tế và Ban-tích thông qua). Rất nên… “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Mục đích của việc này (dùng vận đơn không phải loại “CONGENBILL”) là khi “hữu sự” người mua hàng có thể khiếu nại người vận chuyển mà không cần tham chiếu đến HĐVCTC (vì nó độc lập với HĐVCTC). Nếu buộc phải chấp loại vận đơn “CONGENBILL” (vì không thể… “muốn gì được nấy”) thì nên thỏa thuận những nội dung chính của HĐVCTC với người bán hàng để không bị… bất ngờ (như điều khoản về miễn trách, giải quyết tranh chấp, luật áp dụng). Về tuổi tàu, “trẻ” (dưới 15 tuổi) thì “khỏe” nhưng lại… “đắt” (giá cước cao). Tuy nhiên, tùy từng loại hàng, tuyến đường, thời tiết, thời gian giao hàng mà cần tuổi tàu phù hợp. Tên hãng đăng kiểm của tàu (classification society) cũng quan trọng, vì nó cho biết khá rõ chất lượng của tàu (đăng kiểm ở hãng “có tiếng” thường “đắt” và khó được “thông cảm” khi tàu không đủ chất lượng lưu hành) vì nhiều khi, tiền bồi thường của hãng bảo hiểm hàng hóa không còn ý nghĩa khi không có hàng kịp thời vụ. Cố gắng tối đa yêu cầu người bán trong HĐVCTC thỏa thuận tranh chấp được giải quyết ở gần Việt Nam (Singapore, Hongkong…) hay ở Việt Nam là tốt nhất, và áp dụng luật… Việt Nam thì… tuyệt! (tuy nhiên, hiện nay không dễ đạt được điều này dù rằng, ở một số trường hợp, Việt Nam là nước thứ ba trong quan hệ về HĐVCTC giữa người bán hàng với người vận chuyển).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard