QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỐI PHIẾU (BILL OF EXCHANGE)


Về mặt thuật ngữ Bill of Exchange hoặc Draft, trước đây được dịch sang tiếng Việt là Hối phiếu, ngày nay theo Luật các công vụ chuyển nhượng của Việt Nam gọi là Hối phiếu đòi nợ, Trong phần này, chúng ta sẽ dùng cả 2 thuật ngữ Hối phiếu và Hối phiếu đòi nợ đan xen nhau.

Cùng với kinh tế hàng hóa, thương mại nội địa và quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, các thương nhân thường gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay tiền hàng với giá trị lớn. Để tăng được doanh số bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua, mở rộng thị phần và đứng vững trong cạnh tranh, vào thế kỷ 12, người ta bắt đầu bán hàng trả chậm, từ đó hình thành hình thức tín dụng thương mại giữa các thương nhân với nhau.

Trong giao đoạn đầu, tín dụng thương mại được biểu hiện dưới hình thức văn bản nhận nợ, trong đó, người mua tự nhận nợ và cam kết thanh toán cho người bán một số tiền nhất định, tại mrột địa điểm nhất định và tại một thời điểm xác định trong tương lai. Văn bản nhận nơ của người mua thực chất là một lời hứa trả tiền, nên người ta gọi là Hứa phiếu, trong đó con nợ là người mua, chủ nợ là người bán.

Đến lượt người bán cần vốn để kinh doanh ông ta có 2 phương thức xử lý: phát hành 1 hứa phiếu để mua chịu; dung hứa phiếu đang sở hữu để thanh toán cho người khác. Trong thực tiễn, phương pháp thứ 2 được sử dụng chủ yếu, điều này là tiền đề để hứa phiếu trở thành công cụ có tính lưu thông.

Tuy nhiên, những người thụ hưởng hứa phiếu vẫn lo lắng cho rằng "hứa phiếu là do con nợ viết ra" nên mức độ tin cậy trong thanh toán là không cao, điều này làm cho khả năng lưu thông của hứa phiếu bị hạn chế làm giảm vai trò của tín dụng thương mại như là công cụ thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa. Để khắc phục hạn chế tính lưu thông của hứa phiếu, người ta đã thay đổi phương thức nhận nợ trong mua bán chịu, đó là: người bán chủ động ký phát 1 hối phiếu, trên cơ sở đó, người mua ký chấp nhận trả nợ. Do hối phiếu được chủ nợ ký phát, nên được bảo đảm thanh toán 2 lần: trước hết là con nợ sau đó là chủ nợ. Do được đảm bảo trả nợ 2 lần nên hối phiếu đã dần trở thành công cụ thanh toán, lưu thông chủ yếu trong thanh toán nội địa và trong thanh toán quốc tế. 

Cùng với sự phát triển kinh tế, thương mại và công nghệ, hối phiếu ngày càng phát triển và hoàn thiện cả về hình thức và nội dung, dần thoát khỏi cơ sở kinh tế ban đầu của nó là tín dụng thương mại, nghĩa là, sau khi được ký phát, hối phiếu trở thành một loại giấy tờ có giá độc lập hoàn toàn với giao dịch kinh tế sản sinh ra nó. Vì là chứng từ có giá, lại chuyển nhượng được nên hối phiếu không chỉ dừng lại trong quan hệ tín dụng thương mại mà còn được sử dụng rộng rãi trong quan hệ tín dụng ngân hàng, chiết khấu, cầm cố, thế chấp và là phương tiện thanh toán trong các giao dịch khác nữa. Hơn nữa, ngày nay hối phiếu còn trở thành 1 loại hàng hóa để mua bán trên thị trường tiền tệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard