FORWARDER'S CARGO RECEIPT - FCR

1. Khái niệm về FCR:
FCR viết tắt của chữ FIATA Forwarder’s Certificate of Receipt hoặc Forwarder’s Cargo of Receipt, là 1 trong các chứng từ của hoạt động giao nhận vận tải (GNVT). FCR do FIATA đề xuất để sử dụng cho các người giao nhận (NGN) quốc tế trong phạm vi tổ chức FIATA từ năm 1955. 
FCR bản thân nó là 1 giấy chứng nhận về các chỉ dẫn gửi hàng do NGN phát hành xác nhận rằng anh ta đã nhận hàng hóa như ghi trong FCR với tình trạng bên ngoài trong điều kiện tốt từ người gửi hàng (NGH) và anh ta đang giữ chúng để thực hiện việc gửi hàng không hủy ngang cho người nhận hàng (NNH) được chỉ định hoặc giữ lô hàng đó tùy theo quyền định đoạt của NNH. 
Chỉ dẫn gửi hàng (FIATA Forwarding Instructions - FFI) được thỏa thuận giữa NGH và NNH chỉ có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi nếu giao trả lại bản gốc FCR và miễn là NGN vẫn có thể thực hiện được việc hủy bỏ hoặc sửa đổi đó. 
Ban đầu FCR được sử dụng khi người cung ứng bán hàng hóa theo điều kiện EXW và cần phải chứng minh rằng họ đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với ngưới mua bằng việc xuất trình FCR. Trong trường hợp dùng Thư tín dụng, người bán (NB) theo những điều kiện đó có thể xuất trình 1 FCR do NGN cấp để nhận tiền bán hàng mà người mua (NM) đặt dưới quyền định đoạt của NB theo các điều khoản của L/C. 

2. Chức năng của FCR:
FCR không có chức năng là 1 chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng hóa và cũng không là 1 hợp đồng vận tải đối với hàng hóa được mô tả ở mặt trước của chứng từ này. FCR chỉ đơn giản là 1 biên nhận được cấp cho NGH để hỗ trợ trong việc thanh toán L/C. Tuy nhiên, FCR cũng có thể là bằng chứng của 1 Hợp đồng gửi hàng/ xử lý hàng hóa. 
Do hàng hóa sẽ được giao cho NNH được ghi đích danh trong FCR và việc giao hàng cho NNH không phụ thuộc vào việc xuất trình FCR cho NGN hoặc đại lý của anh ta nên FCR là chứng từ không có giá trị lưu thông. Có 1 quan niệm sai phổ biến về tình trạng của FCR là chúng sẽ được phát hành “Theo lệnh” (To order) của NNH hoặc ngân hàng (NH) mở L/C. 
FCR không phải là chứng từ vận tải vì không xác định được sự giao hàng thực sự mà chỉ là sự nhận hàng của NGN mà thôi. FCR sẽ được NH chấp nhận nếu được qui định như vậy trong L/C. 
Theo UCP 600, các chứng từ không được coi là chứng từ vận tải và Hợp đồng vận tải theo các Điều 19 đến Điều 25 bao gồm: Lệnh giao hàng (Delivery Order-D/O), Biên lai Thuyền phó (Mate’s Receipt-M/R) và các chứng từ của NGN như: Giấy chứng nhận nhận hàng (FIATA FCR), Giấy chứng nhận vận tải (FIATA Forwarder’s Certificate of Transport-FCT), Biên lai nhận hàng (FIATA Forwarder’s Warehouse Receipt - FWR).

3. Điều kiện và điều khoản của FCR:
Mặt sau FCR có in các điều kiện kinh doanh chung (hoặc các điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn) của ngành GNVT tại quốc gia phát hành. Chứng từ chỉ có thể được sử dụng cho các NGN tuân theo các điều kiện điều khoản này trong hoạt động kinh doanh GNVT. 

4. Trách nhiệm của NGN:
Đối với FCR, NGN xác nhận rằng anh ta đang sở hữu hàng hóa với chỉ dẫn gửi hàng không hủy ngang cho NNH hoặc giữ chúng theo quyền định đoạt của NNH. Khi phát hành FCR, NGN nhận trách nhiệm giao hàng tại nơi đến thông qua 1 đại lý giao hàng do anh ta chỉ định, nhưng với tư cách là NGN, chứ không phải là người vận tải (NVT).
Theo Luật pháp của Mỹ, phương diện chế tài đối với dịch vụ là rất quan trọng và vì vậy, NGN trong đa số các trường hợp được coi là “NVT gián tiếp”. Đối với vận tải biển, họ được coi là NVT không có tàu (Non Vessel Operating Common Carrier - NVOCC).
NGN cũng thường được khuyến cáo nên mua bảo hiểm trách nhiệm của NGN cho FCR.

5. Nội dung chính của FCR:
a. Tên NGH hoặc Tên NGN
b.Tên và địa chỉ NNH
c. Ký mã hiệu
d. Số kiện, cách đóng gói
e. Tên hàng
f. Trọng lượng cả bì
g. Khối lượng
h. Ngày và nơi phát hành
i. Chỉ dẫn đối với cước và phí 
j. Ghi chú khác

6. Phát hành FCR:
Ngay sau khi NGN nhận hàng, NGN tại cảng xếp hàng có thể lập tức cấp FCR cho NGH. NGN cần lưu ý 1 số điểm chính như sau:
1) NGN hoặc đại lý (chi nhánh, NGN trung gian) của anh ta đã nhận hàng như được mô tả trong FCR và hàng hóa nằm trong quyền định đoạt của NGN. 
2) Tình trạng hàng hóa bên ngoài trong điều kiện tốt.
3) Các chi tiết ghi trên chứng từ rõ ràng phù hợp với các chỉ dẫn mà NGN đã nhận. 
4) Các điều kiện của chứng từ vận tải khác như Vận đơn (Bill of Lading-B/L)… không trái với các nghĩa vụ mà NGN phải thực hiện theo FCR. 

Do việc giao hàng cho NNH không phụ thuộc vào việc xuất trình FCR nên chỉ cần phát hành 1 bản gốc FCR duy nhất. Nếu có yêu cầu cấp thêm các bản sao khác, phải ghi chú vào FCR câu “Bản sao, không có giá trị lưu thông” để tránh tranh chấp. 
Tất cả chi phí FOB cảng xếp hàng do NGH thanh toán. Thời hạn giao hàng là ngày cấp FCR. Bộ chứng từ phải được xuất trình trong thời hạn qui định tính từ ngày cấp FCR.
NGH phải trả phí FCR tương tự như phí B/L hoặc phí chứng từ. 

7. Sử dụng FCR trong thương mại quốc tế:
FCR cho phép NGN cấp cho NGH 1 loại chứng từ đặc biệt với mục đích là xác nhận chính thức rằng NGH đã hoàn thành nghĩa vụ đồi với hàng hóa và hàng hóa đã hoàn thành thủ tục XK. Theo hợp đồng mua bán, NB giao hàng cho NM hoặc 1 NVT (hoặc 1 người nhận ủy thác gửi giữ hàng hóa khác (Baillee) cho dù có được chỉ định bởi NM hay không) với mục đích chuyển giao hàng hóa cho NM và không bảo lưu quyền định đoạt hàng hóa, NM được coi là đã sở hữu hàng hóa vô điều kiện theo hợp đồng.
FCR được sử dụng với mục định là giảm bớt khó khăn thường xảy ra trong giao dịch thương mại quốc tế. NGN có thể thực hiện việc gom hàng từ nhiều người cung ứng khác nhau. Từng người cung ứng riêng lẻ có thể bán hàng theo điều kiện Ex Works (EXW) và vì vậy họ được quyền nhận tiền ngay sau khi anh ta giao hàng cho NGN. 
Trong các tình huống bình thường, NGH sẽ nhận 1 FIATA B/L (FBL) để thực hiện các yêu cầu về chứng từ quy định trong L/C. Tuy nhiên, NGN đôi khi được yêu cầu nhận hàng để gom lại (cũng như có thể để thực hiện thêm các dịch vụ khác như đóng gói, dán nhãn, đánh ký mã hiệu…) và có thể vì anh ta không muốn phát hành Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment FBL) với tư cách là NVT không có tàu (NVOCC). Do NVT thực chưa nhận hàng nên NGN không thể phát hành FBL và NGH sẽ bị chậm trễ trong việc nhận tiền hàng. FCR có thể khắc phục được nhược điểm đó: nó tạo nên sự đảm bảo đối với NM rằng NB đã giao hàng và không thể nhận lại hàng đã giao. Vì vậy, NM có thể thanh toán tiền hàng cho NB, thông qua việc xuất trình FCR hoặc anh ta yêu cầu NH chấp nhận FCR để thanh toán theo L/C.
Việc sử dụng FCR còn tránh được những rắc rối khi hoán đổi FBL trong mua bán tay 3 theo điều kiện FOB/FCA thanh toán bằng L/C, là điều mà cả NGN và NH đều miễn cưỡng thực hiện, trong đó NM trung gian muốn giấu tên người cung ứng và NM cuối cùng để họ không biết nhau. NGN miễn cưỡng cấp lại 1 bộ FBL hoán đổi (switched FBL) khi nhận được 1 bộ gốc FBL ban đầu để hủy. Thay vào đó, NM trung gian sẽ phải giao lại FCR do NGN đã cấp để đổi lấy FCT hoặc FBL. NGN chỉ cấp FCT hoặc FBL khi hàng hóa còn nằm trong quyền định đoạt của anh ta và không có bất kỳ khiếu nại nào khác đối với lô hàng đó.

8. Lưu ý khi sử dụng FCR:
NGN khi cấp FCR đã đảm bảo rằng hàng hóa sẽ không được giao trả lại cho NGH: đây là 1 yếu tố quan trọng để củng cố lòng tin đối với chứng từ này.
Ngay khi FCR được chuyển giao cho NM khi xuất trình thanh toán, NB đã chuyển nhượng quyền lợi của hợp đồng cho NM và NB không còn bất kỳ quyền nào để dừng hoặc trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa. 
Khi NGH được cấp FCR, anh ta không thể được coi là đã bảo lưu quyền định đoạt hàng hóa. 1 FBL Theo lệnh (To order FBL) sẽ thể hiện sự bảo lưu quyền định đoạt đó. 
FCR là 1 chứng từ giao hàng tự động cho NNH được ghi trong FCR. Người yêu cầu được nhận hàng phải tự chứng minh là NNH được ghi trong FCR.
Khi hàng đến cảng dỡ hàng, đại lý của NGN tại cảng dỡ hàng sẽ lập tức giao giao hàng cho người mở L/C. Nếu NM đã nhận hàng trong khi NB chưa nhận được tiền vì các lý do như: L/C quá hạn, xuất trình chứng từ trễ hạn và những bất hợp lệ của bộ chứng từ… nếu NM không muốn thanh toán do L/C quá hạn, đơn giản họ chỉ cần yêu cầu NH từ chối thanh toán và khi đó NB phải chịu hậu quả.
Khi việc hiểu sai là phổ biến về tính chất của FCR, NB cần phải quan tâm đến việc áp dụng đúng cách và biết rõ những hạn chế của FCR khi được yêu cầu lập chứng từ này.

9. Kết luận
FCR là chứng từ của NGN xác nhận việc NB đã giao hàng cho NGN để gửi cho NNH tại 1 địa điểm nhận hàng ở cảng xếp hàng, với tình trạng bên ngoài của hàng hóa trong điều kiện tốt, hàng hóa được đặt trong quyền định đoạt không hủy ngang hoặc theo chỉ dẫn của NNH, hàng hóa không bị cản trở hoặc thuộc quyền sở hữu của bất kỳ Bên thứ 3 nào và hàng hóa không bị cấm XK. FCR không có giá trị lưu thông và không có chức năng của 1 chứng từ quyền sở hữu hàng hóa 1 Hợp đồng vận tải như FCT và FBL.
Ngày nay xu hướng sử dụng FCR ngày càng phổ biến hơn trong thương mại quốc tế đối với hàng lẻ vận chuyển bằng đường biển hoặc các lô hàng phải đóng vào kho trước khi xếp lên các phương tiện vận tải khác do những ưu điểm của FCR mang lại cho các bên liên quan như: NGH có thể nhanh chóng nhận tiền, NNH có thể nhận hàng ngay khi hàng đến, thuận tiện cho NGN khi thực hiện gom hàng hoặc các dịch vụ xử lý hàng hóa khác hoặc khi phải phát hành FBL hoán đổi, NGN có thể phát hành FCR đúng với tư cách là NGN của họ và là 1 trong các loại chứng từ để làm thủ tục NK… 
Tuy nhiên, cần nắm vững cách thức sử dụng, chuẩn bị nhanh chóng và chính xác bộ chứng từ để xuất trình thanh toán đúng thời hạn nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra khi hàng đã giao cho NNH mà chưa nhận được tiền từ NH.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard