MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ (C/O)

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ (C/O)
Trong xu thế nền kinh tế thế giới ngày càng có nhiều khối liên kết ở cấp độ khu vực, châu lục và cả toàn cầu, việc các nước dỡ bỏ một phần hay toàn bộ hàng rào bảo hộ, dành cho nhau nhiều ưu đãi trong quan hệ xuất nhập khẩu ngày càng phổ biến.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O - Certificate of Origin) trở thành một chứng từ quan trọng trong bộ hồ sơ xuất nhập khẩu để đảm bảo quyền ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan (hạn ngạch). Hiện Việt Nam đang áp dụng chế độ ưu đãi thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có các đối tác quan trọng như Mỹ, EU, Nhật, ASEAN...

Khái niệm “C/O” có tính pháp lý được quy định lần đầu tiên tại Thông tư liên bộ số 280/TTLB/BTM-TCHQ ngày 29-11-1995 giữa Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan. Theo đó, C/O là văn bản có tính pháp lý, do cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận xuất xứ cho một lô hàng nhập khẩu nhằm thực hiện chế độ ưu đãi về thuế quan giữa các nước, các tổ chức.

1./ Trên nguyên tắc công nhận lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, Việt Nam hiện đang thực hiện các loại mẫu C/O sau:
- Mẫu A: Áp dụng GSP (General System of Preferences).
- Mẫu D: Áp dụng CEPT (Common Effective Preferences Tariff).
- Mẫu T: Áp dụng cho mặt hàng dệt xuất khẩu qua thị trường EU.

Ngoài ra, trên thực tế còn một số loại mẫu C/O sau:
- Mẫu B: Dùng cho tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu đi các nước.
- Mẫu O: Dùng cho mặt hàng cà phê XK qua các nước thuộc Hiệp hội cà phê thế giới.
- Mẫu X: Dùng cho mặt hàng cà phê xuất khẩu qua các nước không thuộc Hiệp hội cà phê thế giới.
- Mẫu C/O tái xuất (Certificate of Re-Export): Do nước lai xứ cấp.

2./ Tính pháp lý của C/O
- Do cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền của nước xuất xứ hàng hoá cấp.
- Do nhà sản xuất cấp: Phải có xác nhận của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước cấp có liên quan.
- Do nước lai xứ cấp: Trường hợp hàng hoá có đi qua nước thứ 3 (nước lai xứ) để tập kết, chuyển tải, chuyển khẩu (kể cả trường hợp hàng hoá làm thủ tục nhập khẩu vào nước thứ ba sau đó tái xuất khẩu) nhưng không làm thay đổi xuất xứ hàng hoá, vẫn đảm bảo tính nguyên trạng, hoặc (nếu có) chỉ thực hiện một số hoạt động đơn giản để bảo quản hay đóng gói lại hàng hoá nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá, không làm thay đổi giá trị thương mại của hàng hoá. Trong trường hợp hàng hoá đi qua nhiều nước, thì “nước thứ 3” được xác định là nước cuối cùng mà từ đó hàng hoá được xuất khẩu đến Việt Nam-nước nhập khẩu. C/O do nước lai xứ cấp được chấp nhận tính pháp lý trong hai trường hợp sau:
+ Nếu nước lai xứ cũng là nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan thì chấp nhận C/O do nước lai xứ cấp.
+ Nếu nước lai xứ không là nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan thì chấp nhận C/O do nước lai xứ cấp kèm bản sao C/O của nước xuất xứ (là nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan của Việt Nam).
Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cấp C/O bao gồm:
- Bộ Thương mại và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (được Bộ Thương mại uỷ quyền).
- Đối với hàng hoá sản xuất, chế biến, gia công tại KCN, KCX có đủ yêu cầu quy định về xuất xứ do ban quản lý các KCN, KCX cấp.

3./ Về hiệu lực của C/O
Về nguyên tắc, 01 C/O chỉ có hiệu lực đối với một lô hàng nhập khẩu cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế có một số khả năng sau:
- 01 C/O có thể được cấp và xác nhận xuất xứ cho nhiều mặt hàng thuộc một lô hàng nhập khẩu và chỉ có giá trị đối với lô hàng này.
- Trường hợp nhập khẩu hàng hoá có hợp đồng dài hạn từ 6 tháng trở lên từ các nước Việt Nam dành chế độ tối huệ quốc MNF (không bao gồm thiết bị, máy móc phương tiện vận chuyển) thì chỉ phải xuất trình C/O cho lần nhập khẩu đầu tiên, với điều kiện những lần nhập khẩu sau hàng hoá phải cùng chủng loại thuộc hợp đồng đó.
- Trường hợp có C/O cho cả một lô hàng nhưng chỉ thực nhập một phần của lô hàng đó thì chấp nhận C/O cấp cho cả lô hàng đó.
- Đối với C/O mẫu D có hiệu lực:
+ 04 tháng (điều kiện bình thường).
+ 06 tháng (điều kiện phải đi qua nhiều nước).
+ Không quá 01 năm kể từ ngày giao hàng (trường hợp cấp sau).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard