Tạm nhập sửa chữa hàng xuất bị trả về và tái xuất lại

Tạm nhập sửa chữa hàng xuất bị trả về và tái xuất lại

Hàng xuất khẩu bị trả lại để sửa chữa, tái chế thì nhập khẩu theo loại hình A31.Sau khi nhập khẩu để sửa chữa, tái chế hàng xuất phải trả lại thì tái xuất để trả lại cho khách hàng (đối tác) nước ngoài theo loại hình B13


Tên:Công ty Điện tử
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực:Chính sách xuất nhập khẩu, Chính sách thuế
Tiêu đề:Xử lý hàng hóa tạm nhập tái xuất
Câu hỏi:
Công ty chúng tôi có xuất khẩu sản phẩm theo loại hình E62 và B11. Sau khi đối tác ở nước ngoài nhận hàng, phát hiện sản phẩm bị lỗi nên đã trả lại cho công ty chúng tôi.

Chúng tôi đã làm thủ tục nhập khẩu lại những mặt hàng theo hình thức tạm nhập tái xuất (nhập về để tái chế, sửa chữa lại sau đó xuất trả lại cho đối tác ở nước ngoài).

Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, chúng tôi đã làm công văn cam kết sửa chữa và tái xuất trả trong vòng 275 ngày và đã làm hồ sơ đề nghị không thu thuế -> Công ty đã nhập khẩu sản phẩm lỗi về theo loại hình A31 và chưa nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT của những mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện tại đã quá 275 ngày nhưng chúng tôi vẫn chưa sửa chữa xong và tái xuất trả lại sản phẩm trên.

Công ty muốn hỏi là:
1. Quá thời gian 275 ngày, công ty mới xuất trả sản phẩm nói trên thì sẽ bị xử lý như thế nào liên quan đến pháp luật về thuế ? thủ tục, hồ sơ tái xuất gồm những gì ?

2. Quá thời hạn 275 ngày, công ty chúng tôi không tái xuất như công văn cam kết tại thời điểm nhập khẩu nữa, mà chuyển tiêu thụ những sản phẩm bị lỗi này ở nội địa thì công ty chúng tôi sẽ bị xử như thế nào liên quan đến pháp luật về thuế ? thủ tục hồ sơ gồm những gì ?
Kính mong, Quý cơ quan kiểm tra và trả lời giúp chúng tôi!
Thời gian gửi:15/07/2019 4:01 PM
Nội dung trả lời
Đơn vị phụ trách:Cục Thuế Xuất nhập khẩu
Thời gian trả lời:15/08/2019
Tệp nội dung trả lời: 
Nội dung trả lời:
​Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban Biên tập có ý kiến trao đổi như sau:

Căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế”.

Căn cứ khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:

“5. Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; Người khai hải quan chưa phải nộp thuế trong thời hạn tái chế, nếu quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

7. Xử lý hàng tái chế không tái xuất được:
a) Đối với sản phẩm tái chế là hàng gia công: Làm thủ tục hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy;
b) Đối với sản phẩm tái chế không phải là hàng gia công thì chuyển tiêu thụ nội địa như hàng hóa tái nhập để tiêu thụ nội địa.

8. Trường hợp hàng hóa tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hóa kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu thì cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tái nhập phải thông báo cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu biết (nếu là hai cơ quan hải quan khác nhau) về các trường hợp nêu tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 và trường hợp không tái xuất được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này hoặc trường hợp nêu tại Khoản 7 Điều này hoặc trường hợp quá thời hạn nêu tại Khoản 5 Điều này để xử lý thuế theo quy định”.

Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018) của Chính phủ quy định:

“5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hàng hóa tái nhập thuộc mã tờ khai E62 (xuất sản xuất xuất khẩu) không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp phải kê khai tờ khai thay đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được sử dụng để sản xuất xuất khẩu cấu thành trong hàng hóa tái nhập. 

Chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Đề nghị Công ty nghiên cứu quy định nêu trên, đối chiếu với hàng hóa nhập khẩu thực tế để thực hiện theo đúng quy định, trường hợp có vướng mắc liên hệ với cơ quan hải quản nơi làm thủ tục mở tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

Công ty có thể tìm nội dung các văn bản đã nêu ở mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://www.customs.gov.vn.


Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.

Trân trọng!
Nguồn: Hải quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard