Điều khoản chuyển tiếp trong Nghị định 15 thực hiện như thế nào?

Điều khoản chuyển tiếp trong Nghị định 15 thực hiện như thế nào?

Để làm rõ một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp. Một trong các nội dung cần làm rõ là thực hiện điều khoản chuyển tiếp như thế nào?
Công chức Chi cục Hải quan Cốc Nam kiểm tra bánh kẹo NK từ Trung Quốc. Ảnh: H.Nụ
Theo Bộ Tài chính, tại khoản 1 Điều 42 quy định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước ngày Nghị định 15 có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên giấy và hết thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì khi NK, sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.


Như vậy, Bộ Tài chính đặt câu hỏi: "Theo khoản 1 Điều 42 nêu trên, khi làm thủ tục hải quan, DN có được sử dụng “Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” để được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 15 không? Nếu được thì DN phải nộp hay xuất trình cho cơ quan Hải quan bản photo có xác nhận của DN hay bản sao có chứng thực hay bản chính các chứng từ này?"


Ngoài ra, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì chỉ 3 nhóm hàng tại Điều 6 phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Vậy, trường hợp DN được áp dụng “Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm thì có được áp dụng cho tất cả các nhóm hay chỉ những nhóm hàng theo quy định tại Điều 6 Nghị đinh 15.


Theo đề xuất của Bộ Tài chính, trường hợp sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được cấp “Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” chỉ còn giá trị hiệu lực thì được áp dụng miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi NK theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 15.


Ngoài vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu thì rượu NK phải được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) trước khi NK.


Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 15 thì mặt hàng rượu khi NK trước khi lưu thông ra thị trường chỉ phải tự công bố sản phẩm, không phải công bố hợp quy/công bố phù hợp an toàn thực phẩm.


Do vậy, Bộ Tài chính đặt câu hỏi: "Đối với trường hợp DN NK chỉ có bản tự công bố sản phẩm thì có được sử dụng để làm thủ tục NK theo quy định tại Nghị định 15 hay không?"


Theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc DN nộp bản tự công bố sản phẩm theo quy định tại Nghị định 15 thì được chấp nhận để làm thủ tục NK theo quy định tại Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP dẫn trên.


Cùng với các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ có ý kiến liên quan đến quy định về các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP; về cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm NK; về hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; quy định áp dụng phương pháp kiểm tra giảm...

N.Linh baohaiquan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@templatesyard